Jack Ma hiến kế chiến lược 30 thời đại 4.0

“Nếu muốn giàu mạnh nhanh và bền vững, các doanh nhân, chính khách nên tập trung vào con số 30 – 30 tuổi, doanh nghiệp 30 người, kế hoạch 30 năm…”,“người ngoài hành tinh” Jack Ma nói với chúng tôi bằng chất giọng khàn đặc.

Tỷ phú Jack Ma trò chuyện hôm 14/11/2018. Nhiều người gọi ông là “người ngoài hành tinh” bởi cả vẻ bề ngoài và trí tuệ. Ông hiện giàu thứ 2 Trung Quốc, thứ 20 thế giới và tổng tài sản của Alibaba là 185,4 tỷ USD.

Nguyên tắc “30” và ứng dụng AI

Hôm đó, theo chương trình dự kiến, chỉ có ông Song Liu, phó chủ tịch tập đoàn Alibaba, tiếp chúng tôi. Nhưng sau đó, người sáng lập Jack Ma xuất hiện, trò chuyện cởi mở về nhiều vấn đề dù ông đang bị ốm, giọng khê nồng.

Ông nói rằng, ở góc độ quản trị doanh nghiệp, thậm chí quản trị quốc gia, người ra quyết định, người làm chính sách giờ đây nên xoáy sâu con số “30”.

Ông giải thích, 30 ở đây là người lao động, người tiêu dùng 30 tuổi. 30 tuổi, kinh nghiệm vừa đủ, bắt đầu bước vào độ chín nghề nghiệp, chuyên môn, “tam thập nhi lập”, bắt đầu lập thân, lập nghiệp.

30 tuổi, số tiền kiếm được vừa đủ, bắt đầu chi cả tiêu rộng, quan tâm trải nghiệm cả chất và lượng.

30 ở đây là doanh nghiệp có quy mô khoảng 30 nhân viên, thuộc nhóm doanh nghiệp vừa, thích ứng nhanh nhạy, kịp thời hơn trước những thay đổi của tình hình thực tế.

Ðừng lo vấn đề cạnh tranh với các tập đoàn, doanh nghiệp nhỏ giờ đây có thể dễ dàng ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), trí thông minh nhân tạo (AI) để tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ mới, có tỷ suất lợi nhuận cao, phục vụ thị trường mới, thị trường ngách.

30 ở đây là chiến lược, kế hoạch 30 năm.

Theo ông Jack Ma, chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh hay phát triển kinh tế-xã hội nên tập trung ở khung 30 năm để nghĩ lớn làm lớn, hội tụ đủ hoài bão, nguồn lực để thực sự bền vững và bứt phá.

Doanh nghiệp, thậm chí quốc gia phải trả lời được câu hỏi: 30 năm tới, đối thủ cạnh tranh, thế giới đi đến đâu, còn chúng ta phát triển lĩnh vực nào, đạt được thành tựu gì…

Nhân nói chuyện về phát triển hạ tầng ICT, ứng dụng AI, các lãnh đạo Alibaba cũng tiết lộ đôi chút về chương trình kết nối, giám sát phục vụ quản lý, cải thiện đời sống nhân dân đang và sẽ được áp dụng ở một số địa phương của Trung Quốc, trong đó có Hàng Châu.

Ông Song Liu nêu ví dụ, khi 2 xe đâm nhau trên đường, người ngã, hình ảnh được camera giám sát ghi lại, truyền về trung tâm xử lý, AI sẽ phân tích tư thế, cử động của người nằm trên đường, hình dạng, màu sắc chất lỏng chảy gần đó… để sơ bộ xác định mức độ thương vong, máu người chảy hay xăng dầu, nước mưa.

Sau đó, hệ thống thông báo được kích hoạt, đồng thời gửi cảnh báo tới màn hình máy tính cũng như tin nhắn tới điện thoại di động của đơn vị, cá nhân thuộc cơ sở y tế và lực lượng cảnh sát giao thông có thể tới hiện trường nhanh nhất.

Nói “có thể tới hiện trường nhanh nhất” mà không phải là “gần nhất” vì hệ thống tự động phân tích dữ liệu theo thời gian thực, tính toán cả yếu tố mật độ giao thông và địa hình để đưa ra khuyến cáo phù hợp nhất.

Cuối năm 2018, tôi có mặt trong một nhóm khách mời tới thăm một số cơ quan nhà nước, tổ chức văn hóa, cơ sở kinh tế… của Trung Quốc, và có ấn tượng sâu đậm với Hàng Châu.

Không chỉ vì đây là 1 trong 10 thành phố đẹp nhất Trung Quốc với Tây Hồ rộng lớn, thơ mộng cùng vở diễn thực cảnh “Ấn tượng Tây Hồ” trên mặt hồ của đạo diễn tài hoa Trương Nghệ Mưu (dù tôi đánh giá không cao bằng show “Tinh hoa Bắc Bộ” ở Quốc Oai, Hà Nội).

Không chỉ vì ngoại ô thành phố (thị trấn Long Tỉnh) chuyên chế biến Long tỉnh – loại trà xanh ngon nhất Trung Quốc. Không chỉ vì Hàng Châu có nghề dâu tằm tơ nghìn năm với các loại lụa mỏng mịn mát được ví như mây đa sắc trên trời.

Mà còn vì thành phố này có tổng hành dinh của Alibaba và người sáng lập Jack Ma (Mã Vân) bất ngờ đến trò chuyện.

Hứng thú với chủ đề này, tôi nêu một thực tế được chứng kiến tận mắt là các cơ quan báo chí lớn nhất của Trung Quốc (Tân Hoa Xã, Nhân dân Nhật báo, CCTV) đều đang vận hành hệ thống theo dõi tin tức, dư luận trực tuyến theo thời gian thực, thể hiện trực quan trên màn hình lớn.

Các từ khóa được người dân bàn luận nhiều trên mạng được thể hiện là các hình tròn màu đỏ có đường kính to nhỏ khác nhau tùy thuộc từ khóa đó được nhắc đến nhiều hay ít.

Hình tròn đỏ được thể hiện trên bản đồ Trung Quốc, chính xác đến cấp quận-huyện, thậm chí phường-xã, nơi công dân mạng đăng ý kiến của mình.

Ðại diện các hãng tin Trung Quốc giải thích rằng, nhìn bản đồ dư luận trực tuyến đó, họ sẽ biết người dân ở địa phương nào đang quan tâm vấn đề gì nhất, “quan chức tham nhũng”, “đốt đồng gây ô nhiễm môi trường”, hay “xe buýt lao xuống sông” để có quyết định phù hợp nhất (nếu quyết định tác nghiệp thì điều phóng viên ở đâu để tới được hiện trường nhanh nhất, có cần mang theo flycam, máy quay dưới nước hay không…

Tôi hỏi rằng, liệu có thể ứng dụng hệ thống cho các lĩnh vực khác, như quản lý dân cư, được hay không. Ông Song Liu cười không nói.

“Làm vui vẻ, sống nghiêm túc”

Dạo một vòng trụ sở chính của Alibaba, tôi ấn tượng với cách bài trí của tập đoàn công nghệ này vì hình ảnh thường gần gũi và gợi nhiều liên tưởng, suy tư. Có bức ảnh phóng to chụp lễ cưới tập thể: nhân viên Alibaba trong trang phục truyền thống đỏ rực, vàng óng ánh cầm bánh hình cô dâu-chú rể và dòng chú thích “Làm vui vẻ, sống nghiêm túc”. Ban đầu tôi nghĩ khẩu hiệu của Alibaba đúng là “củ chuối”, ngược đời.

Người ta ai cũng muốn sống vui vẻ, hạnh phúc, còn chủ lao động đều muốn nhân viên làm việc nghiêm túc, nghiêm chỉnh. Nghĩ lại cũng không phải Alibaba không có lý.

Vui vẻ mà làm việc thì vừa tốt cho sức khỏe công nhân vừa tốt cho túi tiền ông chủ. Còn sống nghiêm túc (có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội) chính là tiền đề để có vui vẻ, hạnh phúc vững bền.

Trong khuôn viên tổng hành dinh của Alibaba dựng nhiều tượng lớn và tôi ấn tượng hơn cả với bức người đàn ông ngồi bó gối. Tay chân cuồn cuộn gân cơ như thò ra từ mai rùa nặng trĩu.

Vì “chổng bàn tọa vào nghệ thuật điêu khắc”, tôi hỏi một nhân viên Alibaba, anh cười rằng, ai hiểu thế nào cũng được, với anh, là người ai cũng phải mang gánh nặng trên lưng, sức ép thường trực, đêm đến tự hỏi hôm nay đã làm gì, mai sẽ làm sao cho nhẹ nhàng hơn. “Tôi không thích văn hóa “996” (làm việc từ 9h sáng tới 9h tối, 6 ngày trong tuần). Tôi không thích trẻ đổi sức khỏe lấy tiền rồi già ngược lại”, anh lại cười, rất tự tin.

tượng người rùa

Trên tường tòa nhà tổng hành dinh Alibaba có chỗ treo lỉnh kỉnh phụ tùng xe đạp, sa bàn… và gắn hàng chữ trắng nổi bật bằng cả tiếng Trung, tiếng Anh: “Trí tưởng tượng là năng suất đầu tiên”.

Theo Bí quyết doanh nhân

>