Zombie công sở là gì? Cách khắc phục hiệu quả

Zombie công sở là gì

Xin chào các bạn, không biết các bạn đã từng nghe thấy cụm từ “Zombie công sở” bao giờ chưa?

Hewitt- Công ty tư vấn toàn cầu đã định nghĩa việc nhân viên “không hết lòng vì công việc tại công sở và không có ý chí cải thiện nhưng cũng không rời bỏ công việc hiện tại” là trạng thái “thờ ơ tiêu cực”.

Và họ cũng đã gọi những nhân viên đang ở trạng thái này bằng cụm từ “Zombie công sở”.

Vậy Zombie công sở là gì, chúng ta tiếp tục tìm hiểu nhé.

Zombie công sở là gì?

Zombie công sở là gì

Zombie công sở là cách nói ẩn dụ để ví những nhân viên không gắn kết, không làm việc hết sức mình, nhưng cũng không ra đi mà làm việc kiểu cầm chừng, dưới khả năng của họ.

Theo kết quả khảo sát mà Hewitt đã tiến hành đối với hơn 1000 doanh nghiệp trên toàn thế giới, số “zombie công sở” này rơi vào khoảng 11%, tức cứ 10 người thì sẽ có 1 người đang ở trạng thái này. Với số liệu này, nó hoàn toàn có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho toàn bộ công ty.

Vậy làm cách nào để ta có thể biến đổi, khích lệ những nhân viên đang trong trạng thái ” thờ ơ tiêu cực” này chuyển sang trạng thái “gắn kết tích cực”? Các bạn tìm hiểu về hiện tượng “Zombie công sở” và cách khắc phục nhé.

Cách khắc phục Zombie công sở

Trước tiên, theo kết quả nghiên cứu thì những “Zombie công sở” này nhận được mức lương cao hơn so với những nhân viên bình thường khác.

Vậy tại sao họ lại nhận được nhiều đãi ngộ hơn?

Điều này ẩn chứa trong bí mật mang tên “thâm niên”.

Theo kết quả nghiên cứu về tỉ lệ “Zombie công sở” ở từng mức độ thâm niên trong công việc, cho thấy rằng có khoảng 6% Zombie công sở có thâm niên từ 1 đến 2 năm, đối với thâm niên từ 11 đến 15 năm có khoảng 11% là “Zombie công sở.

Và trong số những người làm việc liên tục trên 26 năm thì tỷ lệ này là khoảng 17% . Con số này nói lên rằng nhân viên có thâm niên càng cao thì họ càng thiếu đi sự gắn kết với công việc. Bởi vì số năm làm việc tăng thì tiền lương cũng tăng theo nên họ hài lòng với vị trí hiện tại và không có tinh thần làm việc một cách tích cực như trước nữa.

Và số nhân viên như thế này đang chiếm tỉ trọng khá lớn trong công ty.

Chính vì vậy, các công ty có lẽ cần phải chú ý đến sự thay đổi trong hệ thống chính sách đãi ngộ nhân viên dựa theo thâm niên này.

Điều này không chỉ giúp ích cho riêng công ty, mà nó còn tạo ra động lực cạnh tranh, thi đua giữa những nhân viên lâu năm và đang hưởng mức lương và phúc lợi cao.

Một ví dụ điển hình đó là Netflix – Nhà cung cấp dịch vụ xem video trực tuyến lớn nhất thế giới cho rằng việc duy trì môi trường làm việc giống như một đội hình thể thao chuyên nghiệp là rất quan trọng.

Họ không quan tâm tới các yếu tố thâm niên như tuổi tác, chức vụ mà chỉ đánh giá trên năng lực mà thôi.

Nghĩa là họ chọn ra những cầu thủ hạng A và yêu cầu những cầu thủ này luôn luôn phải thể hiện vai trò, trách nhiệm theo đúng vị trí của mình.

Reed Hastings – CEO của Netflix đã không ngừng nhấn mạnh rằng “Chúng ta là 1 đội, không phải là một gia đình.

” Như vậy, có thể thấy, phương án đầu tiên để quản lý “Zombie công sở” chính là “Không để những yếu tố như thâm niên hay cấp bậc có thể trở thành công cụ bảo hộ cho cá nhân trong tổ chức”.

Thứ hai, theo kết quả khảo sát, đối với câu hỏi “Bạn có đang được hưởng đãi ngộ xứng đáng so với những đóng góp của mình hay không?”, thì có khoảng 46% nhân viên bình thường đã trả lời theo hướng tích cực và tỷ lệ này chỉ đạt 24% ở nhóm Zombie công sở.

Điều này có nghĩa là những Zombie công sở này mặc dù không hề say mê, gắn kết với công việc nhưng vẫn luôn muốn rằng mình phải nhận được nhiều đãi ngộ hơn.

Do đó, họ luôn nghĩ rằng họ không được đánh giá một cách khách quan. Chính vì vậy, việc quan trọng cần làm với những Zombie công sở là phải phản hồi một cách khách quan và công khai về những thành quả mà họ đã đạt được.

Chẳng hạn, đối với những nhân viên đảm nhiệm công việc tiếp thị hay bán hàng thì có thể dễ dàng đánh giá một cách khách quan dựa trên những con số mà họ đạt được trong quá trình làm việc.

Tuy nhiên, đối với những trường hợp khác, chúng ta cũng vẫn sẽ có nhiều cách khác nhau. Một trong số đó là công khai minh bạch mục tiêu và quá trình thực hiện mục tiêu của từng nhân viên.

Ví dụ như, cứ mỗi đầu năm, từ CEO cho tới nhân viên của Google đều tiến hành xây dựng mục tiêu mà cá nhân mình phải đạt được trong năm đó. Và thông qua hệ thống, mọi người có thể nhìn thấy được mục tiêu của bản thân cũng như toàn bộ các đồng nghiệp khác.

Nghĩa là họ đang công khai chia sẻ những dữ liệu khách quan về thông tin ai đang làm việc gì, làm như thế nào. Ngoài ra, Google còn thực hiện chế độ đánh giá đồng nghiệp bằng cách để khoảng 4,5 nhân viên đánh giá về 1 nhân viên nào đó và người này sẽ nhận phản hồi về mình mỗi năm 1 lần.

Việc đánh giá đồng nghiệp cũng được tiến hành dựa trên dữ liệu OKR đã được công khai.

Và tất nhiên, thông qua hoạt động này, nhân viên không những có thể đánh giá được người khác mà còn có thể so sánh được công việc của mình với công việc của người khác để nhận định kết quả của bản thân một cách khách quan hơn.

Với cách đánh giá này, công ty có thể giảm thiểu được những suy nghĩ tiêu cực từ nhân viên như “Chỉ có mình tôi là vất vả ở trong bộ phận”, hay những bất mãn vu vơ như “Tôi không được công nhận theo đúng những gì mình đã cống hiến cho công ty.”

Một đặc điểm khác của Zombie công sở là không nhận được sự quan tâm của cấp trên. Có thể thấy một tỷ lệ rất thấp chỉ khoảng 40% Zombie công sở trả lời một cách tích cực về câu hỏi “Bạn có đang được cấp trên động viên làm việc hết sức hay không?”

Zombie công sở có thể đơn giản chỉ nghĩ rằng “Đó là lỗi tại cấp trên”.

Tuy nhiên, qua đây có thể thấy vai trò của cấp trên trong việc quản lý một nhân viên chưa đủ gắn kết là rất quan trọng.

Khi đánh giá một nhân viên có hiệu suất làm việc chưa cao, chúng ta thường hay nói “Bạn đã nỗ lực nhiều rồi” hoặc “Cố gắng để làm việc chăm chỉ nhé”, mà ít khi chúng ta suy nghĩ xem phải đào tạo , phát triển nhân viên đó như thế nào.

Có thể là do chúng ta nghĩ rằng “Ngày mai vẫn còn phải tiếp tục làm việc với nhau, nên thôi cứ bỏ qua để khỏi phải ngượng ngùng nhìn nhau” hoặc mặt khác, do chúng ta chưa biết và chưa nghĩ nhiều về việc phải đào tạo như thế nào để cải thiện được hiệu suất làm việc cho nhân viên này.

Trong số các doanh nghiệp toàn cầu, có nhiều doanh nghiệp đang áp dụng PIP (Productivity Improvement Program) – “Chương trình cải thiện hiệu suất” đối với những nhân viên có thành tích thấp trong công việc.

Đặc biệt, IBM cũng đang áp dụng nhiều chương trình nhằm cải thiện hiệu suất như: thay đổi công việc, đào tạo…v.v cho khoảng 20% nhân viên có hiệu suất công việc thấp.

Những nhân viên này hàng tuần sẽ phải báo cáo cho cấp trên về những cố gắng của họ để cải thiện hiệu suất của bản thân.

Và cấp trên cũng phải dựa trên nội dung báo cáo đó để thực hiện hoạt động đào tạo hàng tuần.

Nếu như Zombie công sở cứ tiếp tục đổ lỗi do cấp trên không giúp đỡ họ, và cấp trên cũng đổ lỗi do nhân viên không chăm chỉ thì sẽ chẳng cải thiện được điều gì.

Các bạn hãy lưu ý rằng, để có thể nâng cao sự say mê công việc của nhân viên, không phải chỉ cần thay đổi ý thức hay hành động của riêng cá nhân đó thôi mà cần phải có sự thay đổi từ nội bộ doanh nghiệp và người quản lý nữa.

Hy vọng rằng, thông qua nội dung này, bạn có thể giúp nhân viên của mình thoát khỏi tình trạng “Zombie công sở” và tìm được sự say mê tích cực trong công việc.

>